Trám trắng là loài cây đa dụng nên được chú ý gây trồng nhiều, kể cả trồng phân tán và trồng rừng tập trung để lấy gỗ làm nguyên vật liệu và lấy quả làm thực phẩm.
Nếu để mọc tự nhiên, hạt trám trắng sẽ cho rễ cọc đơn trục, đâm thẳng, phát triển rất sâu, rễ bàng phát triển ít và muộn do đó thường tạo ra thân cây cao to, thẳng đứng và tán lá gọn. Trong quá trình nhân giống cây con từ gieo hạt, nếu không có các tác động kỹ thuật thì các cây giống chỉ có 1 rễ cọc dài, rất ít rễ bàng nên rất khó trồng cây con rễ trần, tỷ lệ cây chết rất cao. Ngược lại nếu gieo trong bầu đất, do rễ dài nên khó vận chuyển đi xa dài ngày và tỷ lệ cây sống cũng đạt thấp.
Để khắc phục tình trạng này, sau nhiều năm nghiên cứu và xây dựng các mô hình thử nghiệm thành công, mới đây các nhà khoa học Trường Đại học Lâm nghiệp và Cục Lâm nghiệp đã hoàn thiện và khuyến cáo các đơn vị sản xuất cây giống áp dụng biện pháp kỹ thuật cải thiện hệ rễ cho cây trám giống ở giai đoạn vườn ươm. Các nhà khoa học cho biết, nếu rễ cọc bị đứt khi còn non sẽ nhanh chóng hình thành bộ rễ cọc chùm và rễ bàng mọc nhiều.
Rễ cọc đứt càng sớm thì xu thế này càng mạnh sẽ làm cho cây phân cành sớm, tán xòe rộng, rễ bàng mở rộng tới giới hạn gấp 1,5-2 lần bóng chiếu thẳng đứng của tán lá nên rất thuận tiện cho việc xới xáo, bón phân, chăm sóc. Lợi dụng đặc điểm này người ta có thể tác động vào phần rẽ còn non để tạo ra một hệ rễ phát triển cả chiều sâu lẫn chiều ngang sẽ giúp cho cây con sinh trưởng tốt hơn, nhanh hơn, sớm đạt tiêu chuẩn trong giai đoạn vườn ươm. Theo các nhà khoa học thì thời kỳ cắt rễ mầm nên tiến hành ngay sau khi hạt được ủ trong cát nứt nanh và rễ mầm mọc dài khoảng 1-2cm. Dùng kéo hoặc dao sắc cắt bớt đầu rễ cọc chỉ để lại khoảng 0,5cm rồi đem cấy ngay vào bầu và tiếp tục chăm sóc bình thường.
Với các biện pháp kỹ thuật đơn giản này các cây con sẽ cho tỷ lệ sống sau trồng cao hơn hẳn so với cây không được tác động tạo bộ rễ với tỷ lệ chênh lệch có thể lên tới trên 40% không chỉ có giá trị về kinh tế làm giảm chi phí cây giống, vật tư, công lao động mà còn có ý nghĩa trong việc nhanh chóng tạo ra độ khép tán đồng đều của rừng trồng do mật độ cây sống đảm bảo.